Hướng Đạo là một phương pháp và một chương trình giáo dục bổ túc cho giáo dục gia đình và học đường, có mục đích giúp thanh thiếu niên rèn luyện chí khí, tháo vát, để có thể thích nghi với mọi hoàn cảnh, chuẩn bị để trở thành những công dân tốt, có trách nhiệm, biết trọng danh dự, hữu ích cho xã hội.
Phong trào Hướng Đạo thâu nhận trẻ em từ 6 tuổi và đảm nhận một chương trình giáo dục cho đoàn sinh cho đến tuổi trưởng thành. Tùy theo lứa tuổi, các đoàn sinh được phân phối để sinh hoạt trong 5 ngành :
- Ngành Nhi : từ 6 đến 8 tuổi
- Ngành Ấu : từ 8 đến 11 tuổi
- Ngành Thiếu : từ 11 đến 15 tuổi
- Ngành Thanh : từ 15 đến 18 tuổi
- Ngành Tráng : từ 18 đến 25 tuổi
Ngoài những mục tiêu căn bản của phong trào Hướng Đạo, đối với Hội Nam và Nữ Hướng Đạo Việt Nam tại Pháp, cũng như đối với mọi tổ chức HĐVN hiện nay tại những quốc gia định cư khác, còn đặt một nhu cầu đặc biệt do tình thế đòi hỏi : giúp cho thanh thiếu niên Việt Nam sống xa quê hương gìn giữ được tiếng nói, phong tục, tập quán, cùng với di sản văn hóa dân tộc.
Hướng Đạo Việt Nam không chủ trương sống tách biệt khỏi cộng đồng quốc gia nơi định cư, trái lại chủ trương cần phải hội nhập, nhưng không chối bỏ nguồn gốc của mình và biết quí trọng di sản tinh thần và văn hóa của tiền nhân. Trong điều kiện đó, sự phát triển con người của thanh thiếu niên Việt Nam sống tại hải ngoại mới có thể điều hòa và toàn diện được.
Năm mục tiêu phát triển
Để thực hiện mục tiêu giáo dục của mình, phong trào Hướng Đạo Việt Nam tạo cơ hội cho đoàn sinh phát triển trong 5 lãnh vực :
- Chí khí : rèn luyện nhân cách, biết nhận trách nhiệm, có khả năng đặt cho mình những mục tiêu và đánh giá hành động của mình, rèn luyện khả năng quyết định, cam kết và giữ lời cam kết.
- Tháo vát : rèn luyện khả năng đối phó trong mọi trường hợp, xây dựng khung cảnh sống của mình, rèn luyện sự khéo léo, khả năng phát minh, sáng tạo.
- Thể chất tập thói quen ham thích một cuộc sống lành mạnh, phát triển những thể chất, chăm sóc, gìn giữ sức khỏe.
- Phục vụ : tìm thấy ý nghĩa của hành động vô vị lợi phục vụ cho lợi ích chung, ra khỏi sự vị kỷ, tìm đến người khác, có khả năng giữ một vai trò trong cộng đồng và tham dự vào đời sống cộng đồng.
- Tín ngưỡng tâm linh : Hướng Đạo Việt Nam không cổ vũ cho một tôn giáo nào, tôn trọng mọi tín ngưỡng, khuyến khích đoàn sinh tìm đến một tôn giáo, tạo điều kiện để đoàn sinh tìm hiểu và đến gần hơn tôn giáo của mình.
Mặt khác, Hướng Đạo Việt Nam nung đúc tinh thần yêu nước, làm cho đoàn sinh biết quí trọng di sản lịch sử và văn hóa của dân tộc, thấm nhuần ý niệm về tổ quốc của mình và có bổn phận đối với quốc gia mình đang cư ngụ. Vì vậy mà trong ba lời hứa Hướng Đạo, lời hứa thứ nhứt là
“làm tròn bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, tổ quốc và quốc gia tôi“.
Phương pháp Hướng đạo
Phong trào Hướng Đạo sử dụng các phương tiện giáo dục sau đây để thực hiện năm mục tiêu vừa kể :
- Luật và lời hứa.
- Giáo dục bằng hành động.
- Đời sống ngoài thiên nhiên.
- Phương pháp hàng đội.
Luật và lời hứa
Luật Hướng Đạo đề nghị một mẫu mực để cư xử và hành động, rèn luyện nơi mỗi Hướng Đạo sinh một tinh thần trọng danh dự, trung tín, hào hiệp và vị tha. Lời hứa Hướng Đạo là một sự cam kết tham dự vào lối sống và hành động theo mẫu mực do phong trào Hướng Đạo đề nghị.
Luật Hướng Đạo có mười điều, phỏng theo mười điều luật sơ khởi do Baden-Powell đưa ra, được mỗi nước trong phong trào Hướng Đạo thế giới điều chỉnh đôi chút tùy theo hoàn cảnh, phong tục của mỗi nước.
Luật Hướng Đạo gồm mười điều như sau:
- Hướng Đạo sinh trọng danh dự.
- HĐS trung tín.
- HĐS giúp ích.
- HĐS là bạn của mọi người.
- HĐS lễ độ và hào hiệp.
- HĐS tôn trọng thiên nhiên.
- HĐS trọng kỷ luật.
- HĐS vui tươi.
- HĐS cần kiệm và liêm khiết.
- HĐS trong sạch trong tư tưởng,lời nói và việc làm.
Một Hướng Đạo Sinh chỉ thật sự là thành viên của phong trào Hướng Đạo sau khi tuyên hứa. Bằng lời hứa Hướng Đạo, Hướng Đạo Sinh tự nguyện cam kết tham dự vào mẫu mực cư xử và hành động do phong trào Hướng Đạo đề nghị.
Đứng trước quốc kỳ, dưới sự chứng kiến của các Trưởng và các đoàn sinh đã tuyên hứa, tân đoàn sinh long trọng cam kết :
Lời hứa Hướng đạo Việt Nam
Tôi lấy danh dự hứa cố gắng hết sức :
- Làm bổn phận đối với tín ngưỡng tâm linh, tổ quốc và quốc gia tôi.
- Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào.
- Tuân theo luật Hướng Đạo.
Với Luật và Lời Hứa, phong trào Hướng Đạo đích thực là một phong trào mà mỗi thành viên là tự nguyện. Bằng cách tự nguyện tham dự vào dự án phát triển và rèn luyện do phong trào Hướng Đạo đưa ra, mỗi thành viên không còn là một đối tượng thụ động, nhận một sự giáo dục mà tự mình thực hiện sự phát triển, trau dồi nhân cách của mình.
Châm ngôn của Hướng Đạo Việt Nam là ” SẮP SẴN “, thể hiện tư thế sẵn sàng của người Hướng Đạo để giúp ích, đóng góp vào đời sống cộng đồng và đối phó với những khó khăn, trở ngại gặp phải.
Giáo dục bằng hành động
Hướng Đạo không giáo dục bằng lý thuyết sách vở mà sử dụng những trò chơi, những sinh hoạt đáp ứng nhu cầu hoạt động và sở thích tự nhiên của tuổi trẻ.
Mỗi khi muốn đoàn sinh đạt tới một sự tiến bộ hay một hiểu biết chuyên môn nào, người Trưởng Hướng Đạo phải tìm cách lồng những mục tiêu đó vào những trò chơi và những sinh hoạt thích hợp.
Mặt khác, Hướng Đạo phát triển nơi giới trẻ khuynh hướng tự nhiên muốn mình có ích cho người khác, chú trọng phát triển phần tính tốt sẵn có ở mỗi đoàn sinh để phần này lần lần lấn át các khuynh hướng xấu.
Như vậy, sự giáo dục của Hướng Đạo là một sự giáo dục chú ý đến từng em một. Hướng Đạo không phải là một tổ chức lấy số đông làm mẫu mực thành công, thâu nhận cho thật nhiều để huấn luyện theo kiểu rập khuôn và nhồi sọ. Trái lại, sự giáo dục chú ý đến từng đoàn sinh, theo dõi sự phát triển từng em, khuyến khích để phát triển các khả năng, các đức tính tốt sẵn có ở mỗi đoàn sinh. Do đó, Hướng Đạo chỉ thâu nhận đoàn sinh trong khả năng cùa mình, khi có đủ Trưởng để hướng dẫn. Mỗi đơn vị Hướng Đạo chỉ có sỉ số nhất định, không thể vượt qua, để người Trưởng có thể hoàn thành chu đáo nhiệm vụ của mình.
Phương pháp hàng đội
Hướng Đạo tạo cơ hội cho các em họp thành từng nhóm để cùng nhau thảo luận về một dự án sinh hoạt cho nhóm và phân phối vai trò trong nhóm.
Hướng Đạo cho giới trẻ cơ hội sống trong một cộng đồng nhỏ, bằng tầm vóc của họ. Trong cộng đồng đó, trẻ sẽ tập giữ một vai trò, nhận một số trách nhiệm, tham gia vào sinh hoạt của cộng đồng và học tập tinh thần dân chủ trong đời sống cộng đồng.
Nhóm không do một người lớn chỉ huy, mà chính do một trong những đứa trẻ nhận trách nhiệm hướng dẫn nhóm. Như vậy, trẻ có cơ hội tự tổ chức lấy sinh hoạt của mình, suy xét, cân nhắc và quyết định.
Những nhóm được gọi là đàn (Sói), đội (Thiếu)… Nhiều đàn, đội họp thành một đơn vị Hướng Đạo. Những quyết định về sự tổ chức, sinh hoạt và tiến triển của đơn vị không phải do người hướng dẫn trưởng thành của đơn vị, mà do ý kiến chung của đoàn sinh trong đơn vị.
Như vậy, trong bất cứ đơn vị Hướng Đạo nào, không có việc người Trưởng tự một mình lấy quyết định và áp đặt cho cả đơn vị phải thực hiện. Trái lại, chương trình sinh hoạt của đoàn là do sự đóng góp của tất cả đoàn sinh, thể hiện nguyện vọng của đoàn sinh được phát biểu từ “Tảng đá hội đồng, Hội đồng Đội, Hội đồng Đoàn“. Người Trưởng chỉ giữ nhiệm vụ phối hợp, cố vấn, đôn đốc sự thực hiện các quyết định của các Hội đồng, trông chừng đừng để sinh hoạt của đơn vị đi ra ngoài những mục tiêu căn bản của phong trào, và ngăn bớt sự bồng bột của đoàn sinh khi muốn thực hiện những dự án ngoài tầm tay và khả năng hiện có của đơn vị.
Đời sống ngoài thiên nhiên
Hướng Đạo cung cấp cho giới trẻ một môi trường tự do và sáng tạo. Do đó, phương pháp Hướng Đạo chú trọng đến các sinh hoạt ngoài trời, là những cơ hội tốt để trở về nguồn gốc của sự sống, để tìm tòi, khám phá
Sống gần với thiên nhiên, Hướng Đạo Sinh có thể thỏa mãn tính năng động của mình, có thể khám phá một vùng đất, xây dựng khung cảnh sống của mình, dựng lên nơi trú ẩn cho mình, tập đương đầu với những khó khăn, trở ngại, với mưa nắng, gió
Hướng Đạo Sinh có cơ hội rèn luyện sức chịu đựng dẻo dai, óc tháo vát, khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh, nuôi dưỡng lòng quí trọng thiên nhiên và các sinh vật.
Phong trào Hướng Đạo có những mục tiêu, những phương pháp giáo dục rõ ràng, mà sự hiệu quả đã được chứng minh qua gần 100 năm phát triển và sự lớn mạnh không ngừng của phong trào trên khắp thế giới.
Một số đoàn thể thanh niên tại các nước, trước những kết quả gặt hái được của phong trào Hướng Đạo, đã tìm cách phỏng theo mô thức Hướng Đạo để tổ chức sinh hoạt và đoàn ngũ hóa thanh thiếu niên, nhưng hiếm có trường hợp thành công. Bởi vì, phương pháp Hướng Đạo chỉ hữu hiệu khi hội đủ tất cả những yếu tố căn bản của phương pháp và tinh thần Hướng Đạo, nếu không thì không còn Hướng Đạo nữa và phương thức không còn hiệu nghiệm nữa.
Sưu tầm từ Internet