(PLO)- Óc heo không phải là loại thực phẩm hoàn toàn có lợi cho sức khỏe, thậm chí còn có thể sinh ra nhiều loại bệnh mà bạn không ngờ tới.
Nhiều bậc cha mẹ tin rằng “ăn gì bổ nấy”, nên việc cho trẻ ăn nhiều óc heo để bổ não, giúp trẻ thông minh, tránh đau đầu. Vậy liệu óc heo có thực sự đem lại hiểu quả đó không?

Óc heo có thể kết hợp các thực phẩm khác như đậu Hà Lan, rau ngót, nấu súp, cháo… Ảnh: Internet
Thầy thuốc ưu tú, ThS-BS Doãn Thị Tường Vi – Viện phó Viện Dinh dưỡng lâm sàng, trả lời trên báo chí, trong 100 g óc heo chứa các thành phần dinh dưỡng như sau: Năng lượng chiếm khoảng 123 kcal; Protid 9,0 g; Lipid 9,5 g (trong đó acid béo no 2,08 g; acid béo không no 1 nối đôi 1,66 g; acid béo không no nhiều nối đôi 1,43 g; cholesterol 2195 mg ); glucid 0,4 g. Như vậy, óc heo là một loại thực phẩm giàu chất béo nhưng tỉ lệ các chất dinh dưỡng lại không cân đối.
Nếu ăn quá nhiều và không khoa học thì sẽ mắc những nguy cơ gì?
Chia sẻ trên Sức khỏe và đời sống, ThS Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng, cho biết nếu so sánh óc và tủy heo với một số phủ tạng khác như: tim hay đặc biệt là gan heo, gan gà là loại thực phẩm mà nhiều người cho rằng không tốt, ăn gan là độc… thì hàm lượng chất đạm của óc chỉ bằng một nửa gan, của tủy chỉ bằng 1/9 gan. So với thịt cá, nó chứa lượng đạm thấp, nghèo sắt và ít vitamin. Khi trẻ ăn óc heo thường xuyên, ăn quá nhiều sẽ có nguy cơ dư thừa chất cholesterol, nguyên nhân gây nên các bệnh về tim mạch, gan nhiễm mỡ. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân – béo phì, ảnh hưởng đến phát triển não bộ.
BS Ngô Thị Phi Yến (Trung tâm Dinh dưỡng) cũng cho rằng khác với suy nghĩ của nhiều người, óc heo không hẳn tốt cho trí não tăng cường sự thông minh của trẻ mà ngược lại còn có thể gây hại, nếu trẻ ăn quá nhiều và thường xuyên. Vì chứa ít chất sắt nên nếu trẻ chỉ ăn đơn thuần trong thời gian dài sẽ dễ bị thiếu máu, thiếu sắt. Tương tự, óc heo không có chứa vitamin A nên nếu không kết hợp với thực phẩm khác thì trẻ rất dễ bị nhiễm trùng và chậm tăng trưởng…
Tiếp tục đọc →